10.797222346,106.677222250

TP.HCM kỳ vọng tạo "đột phá hạ tầng" nhờ cơ chế mới

Đăng bởi: Admin Lúc 08:11 - 10/11/2023 | Lượt xem: 588

Nghị quyết 98 của Quốc hội "Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM" được xem là đòn bẩy giúp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để phát triển các dự án mang tính chiến lược, đột phá hạ tầng TP.HCM.

Theo ông Phan Công Bằng – Phó Giám Đốc sở giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM , Nghị quyết 98 giúp TP HCM đủ cơ sở pháp lý để tính toán quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư tại một số dự án áp dụng hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) đang tạm dừng. Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1 (thuộc đoạn 3 đường Vành đai 2), nếu tháo gỡ sẽ giúp khép kín đường Vành đai 2.

Sở GTVT TP.HCM cũng đang rà soát những dự án cấp bách, trọng điểm trên cơ chế được áp dụng hợp đồng BOT tại dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng trên công trình đường bộ hiện hữu và loại hợp đồng BT - ngân sách thành phố trả chậm. Trong đó, ưu tiên các tuyến đường cửa ngõ thành phố, đường trục chính đô thị, công trình có tính liên kết nội vùng, liên vùng có thể phát huy hiệu quả ngay khi đầu tư.

Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 22 kết nối TP HCM với tỉnh Tây Ninh được xác định nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

>>Xem thêm: Nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với cao tốc Phnom Penh-Bavet Campuchia 

Từ quan điểm trên, các tuyến Quốc lộ 13 (đoạn TP HCM), Quốc lộ 1 (đoạn An Lạc, giáp Long An), cầu đường Bình Tiên sẽ được xem xét thực hiện bằng hợp đồng BOT. Một số dự án như cầu đường Nguyễn Khoái, nút giao thông ngã tư Bốn Xã, hầm chui tuyến Quốc lộ 13… được xem xét thực hiện hợp đồng BT.

Cơ chế đã có, theo ông Phan Công Bằng, vấn đề là phải chỉn chu khi triển khai. Sở GTVT đang đánh giá lại năng lực giao thông các tuyến đường cũng như sự cần thiết đầu tư xây dựng, trên cơ sở đó trình UBND thành phố danh mục dự án áp dụng BOT và BT. Trong quá trình nghiên cứu, chắc chắn thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân, tham vấn ý kiến của Ủy ban MTTQ TP HCM, các chuyên gia, nhà khoa học trước khi quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ rà soát tổng thể vị trí đặt trạm thu phí, chính sách miễn giảm cũng như quản lý doanh thu. "Điều này bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và tránh tạo ra gánh nặng về thuế, phí cho người dân" - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết.

Nghị quyết 98 được nhận định sẽ “chắp cánh”, giải quyết những gánh nặng, tồn đọng của các dự án hạ tầng TP.HCM trong nhiều năm qua với cơ chế linh hoạt, tập hợp nhiều nguồn lực xã hội.

Người dân làm thủ tục bàn giao mặt bằng dự án đường Vành đai 3 tại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức .Ảnh: QUỐC ANH

>>Xem thêm: 06 cây cầu sẽ được xây dựng để kết nối Tây Ninh và Bình Dương 

Về nguồn vốn, Nghị quyết 98 cho phép TP HCM được sử dụng vốn ngân sách thành phố để tham gia đầu tư các dự án liên vùng hay cho phép nâng tỉ lệ vốn ngân sách từ 50% lên 70%, điều này góp phần thu hút nhà đầu tư đối với các dự án PPP. Cơ chế như vậy sẽ giúp việc huy động vốn thực hiện các dự án giao thông liên kết vùng thuận lợi hơn, như vừa rồi TP HCM đã tăng thêm vốn ngân sách vào dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài.

Về giải phóng mặt bằng, Nghị quyết 98 hướng đến việc áp mức giá bồi thường các loại đất sát giá thực tế, đây là giải pháp linh hoạt giúp người dân hài lòng hơn khi nhà nước thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trong thời gian tới.

Nguồn: Tham khảo Báo Người lao động

Bài viết liên quan
Zalo
Zalo
Vị trí
Hotline: (+84) 948 859 999