10.797222346,106.677222250

Những chính sách kinh tế mới nào được áp dụng từ tháng 1/2024?

Đăng bởi: Admin Lúc 09:01 - 03/01/2024 | Lượt xem: 921

Từ tháng 1/2024, nhiều quy định, chính sách kinh tế mới được áp dụng như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng, áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí; quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ… 

Giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Một trong những chính sách kinh tế được áp dụng vào đầu năm 2024 là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Chính phủ ban hành nghị định 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội. Theo đó, từ ngày 1/1/2024 đến giữa năm các dịch vụ, hàng hóa (trừ một số ngành như ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, bảo hiểm,…) được giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ (người nộp thuế sẽ không trực tiếp đi nộp mà tiền thuế sẽ được trừ vào thu nhập hoặc chi phí mua hàng của người nộp thuế) được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% trên tỷ lệ % để tính thuế khi xuất hóa đơn.

Theo Bộ Tài chính ước tính, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng khi áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây là năm thứ 3 Quốc hội, Chính phủ quyết định giảm thuế VAT hỗ trợ nền kinh tế, tăng kích cầu tiêu dung trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn.

Áp dụng thuế tổi thiểu toàn cầu

Ngày 29-11-2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Nghị quyết số 107/2023/QH15 quyết nghị, đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên, trừ các trường hợp sau đây: Tổ chức của chính phủ; Tổ chức quốc tế; Tổ chức phi lợi nhuận; Quỹ hưu trí; Quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao; Tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao; Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức quy định từ điểm a đến điểm e khoản này.

>>Xem thêm: Những dự án giao thông nào sắp được triển khai tại TP.HCM trong thời gian tới?

Các chính sách kinh tế mới được áp dụng từ tháng 1/2024. Ảnh: VnEconomy

Chính sách kinh tế mới nhất này có hiệu lực từ 1/1/2024. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam làm dấy lên một số lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó Quốc hội đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Sửa đổi quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí

Ngày 28-11-2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP được Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Trong đó, sửa đổi, bổ sung tên Điều và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 như sau:

Điều 3. Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí và quyết toán phí. Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.

Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được như sau:

Định kỳ hằng ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà nước; tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí thu được vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc nộp lệ phí vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước.

>>Xem thêm: KCN Phước Đông - Lợi thế địa chất tốt và hạ tầng toàn diện 

Căn cứ số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định định kỳ ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách, tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc tài khoản thu ngân sách nhà nước.

Tổ chức thu phí kê khai, nộp tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng, quyết toán năm và tổ chức thu lệ phí kê khai, nộp lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng theo quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Tổ chức thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện lập và cấp chứng từ thu phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

Chính sách kinh tế mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/1/2024.

Quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30-6-2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Trong đó, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau: Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua. Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận.

Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau: Đối tượng mua trái phiếu; Khối lượng dự kiến phát hành; Kỳ hạn trái phiếu; Lãi suất dự kiến; Thời gian dự kiến phát hành; Dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (Kho bạc Nhà nước phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối).

Bộ Tài chính chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ theo các nội dung quy định trên. Ngoài ra, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 22 về trái phiếu ngoại tệ. Chính sách kinh tế mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2024.

 Nguồn: tổng hợp thông tin từ các trang vnexpress.net; suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan
Zalo
Zalo
Vị trí
Hotline: (+84) 948 859 999