10.797222346,106.677222250

NHU CẦU THUÊ KHO BÃI LOGISTICS | P1. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG

Đăng bởi: Admin Lúc 02:12 - 08/12/2020 | Lượt xem: 2093

PHẦN 1: TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG LOGISTICS TOÀN CẦU

Năm 2019, thị trường vận tải và logistics toàn cầu chịu tác động bởi các yếu tố chính gồm: những bước tiến lớn về công nghệ, biến động thương mại quốc tế, những xu hướng mới trong thương mại điện tử và các yêu cầu mới về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu trong logistics.

Thương mại toàn cầu trở nên khó dự đoán hơn, với tác động đan xen của các FTA thế hệ mới và các rào cản thương mại, các yếu tố bất lợi về địa chính trị... khiến nhiều chủ hàng và các công ty logistics phải liên tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thậm chí đã tạo nên một dịch vụ logistics mới là “chuyển dịch” toàn bộ hệ thống nhà xưởng từ Trung Quốc sang các thị trường khác.

Sự phát triển của các nền tảng thương mại và thanh toán điện tử toàn cầu như Alibaba, Amazon và e-Bay, đã cho phép nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại các thị trường mới nổi tiếp cận người tiêu dùng trên toàn thế giới bằng cách mở rộng các kênh tiếp thị, hệ thống phân phối và logistics xuyên biên giới của họ. Đồng thời, nhiều công ty đa quốc gia đang tập trung kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới logistics ở các thị trường mới nổi để

tận dụng mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng, nguồn lực tại chỗ và đáp ứng đúng thị hiếu địa phương. Xu hướng tự động hóa đang làm thay đổi nền sản xuất toàn cầu cũng như hoạt động logistics phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Số hóa nền kinh tế, đổi mới cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, văn hóa tiêu dùng, sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ đang giúp logistics liên ngành và xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Về quy mô lĩnh vực logistics toàn cầu (gồm cả logistics tự thực hiện và dịch vụ logistics - thuê ngoài), do sự phức tạp đó nên các thống kê và đo lường về quy mô thị trường logistics toàn cầu vẫn chưa thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh có sự đan xen rất lớn giữa các loại hình logistics và tích hợp các hoạt động trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới.

Theo báo cáo “Logistics Service Market Report - Forecast up to 2027” phát hành bởi Market Research Future, doanh thu thị trường dịch vụ logistics (3PL, 4PL) toàn cầu đạt trên một nghìn tỷ USD trong năm 2019 (tăng so với mức 900 tỷ USD năm 2018) và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,9%/năm trong giai đoạn dự báo 2019 - 2027, đạt trên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2027.

PHẦN 2: THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG LOGISTICS VIỆT NAM

Các doanh nghiệp trong ngành vận tải, logistics Việt Nam đánh giá cao tiềm năng tang trưởng của thị trường logistics trong những năm tới. Có tới hơn 73% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report vào tháng 12/2018 cho rằng, toàn ngành vận tải và logistics Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trên hai con số trong năm 2019, chỉ có gần 27% dự đoán đạt mức tăng trưởng dưới 10%.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2018 ngành logistics Việt Nam tăng trưởng khoảng 12-14% so với năm 2017. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện là 3.000 doanh nghiệp, bao gồm tất cả các doanh nghiệp logistics hoạt động theo các tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không...

Tiềm năng và cơ hội để ngành vận tải và logistics Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới là rất lớn. Theo đại diện của Bộ Công Thương, sự phát triển của ngành vận tải và logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.

Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics. Thứ nhất, trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế và việc ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do, mở ra cánh cửa giao thương ngày càng rộng lớn cho Việt Nam.

Thứ hai, vị trí địa lý của Việt Nam thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng logistics như kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không... đang không ngừng được cải thiện.

Theo các chuyên gia, ngành logistics có nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Ba thách thức lớn nhất của ngành vận tải và logistics Việt Nam hiện nay chính là cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng biển, kho bãi, kết nối... còn hạn chế, bất cập; quy mô vốn, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn còn hạn chế; các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí cao.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng mặc dù đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Tuyến trục vận tải Nam - Bắc vẫn phụ thuộc rất lớn vào đường bộ, rất cần sự tham gia hơn nữa của ngành đường sắt. Sự phát triển bất cân đối của hệ thống cảng biển Việt Nam khi hơn 92% lưu lượng container phía Nam tập trung ở cảng Cát Lái dẫn đến tình trạng quá tải, kẹt cảng... gây ra sự lãng phí rất lớn.

Hơn nữa, vốn và nhân lực là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Trên 70% doanh nghiệp vận tải và logistics đang hoạt động hiện nay có quy mô vốn vừa và nhỏ, chỉ có 7% doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó nhóm vốn lớn chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia. (Còn tiếp...)

Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam 2019

Bài viết liên quan
Zalo
Zalo
Vị trí
Hotline: (+84) 948 859 999