10.797222346,106.677222250

Khan hiếm cát san lấp: Nguy cơ đình đốn công trình

Đăng bởi: Admin Lúc 01:11 - 16/11/2023 | Lượt xem: 525

Hàng loạt các dự án giao thông, công trình xây dựng rơi vào tình trạng khó khăn, nguy cơ chậm tiến độ do khan hiếm cát san lấp, nguồn cung bị đứt gãy, giá cát tăng cao.

Tại các dự án trọng điểm ở địa bàn tỉnh Tiền Giang như: cầu Vàm Kỳ Hôn, cầu Tân Thạnh, đường tỉnh 864, các dự án khu dân cư, trụ sở các cơ quan cũng đang trong tình trạng thiếu nguồn cát san lấp mặt bằng. Để đáp ứng tiến độ đề ra với chủ đầu tư, các nhà thầu phải mua nguồn cát với giá thực tế cao hơn giá quy định của nhà nước để đảm bảo đúng tiến độ đã ký kết với chủ đầu tư.

Cụ thể theo mức giá liên Sở của tỉnh Tiền Giang công bố vào tháng 8, tháng 9 vừa qua, tùy theo địa bàn mà giá cát san lấp ở mức dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/mét khối; cát xây dựng từ  255.000 - 320.000 đồng/khối. Mức giá này không “chạy” kịp giá thị trường, gây áp lực lớn cho các nhà thầu.

Ông Nguyễn Minh Thái, Giám đốc công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ xây dựng Minh Thái (tại xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cũng như các nhà thầu đang thi công dự án đường tỉnh 864 đoạn Chợ Gạo- Gò Công Tây, cho rằng: "Tôi bây giờ cũng cố gắng, chứ hợp đồng đã ký hết rồi, phải bám đạt tiến độ, chứ biết làm sao bây giờ. Công trình của tôi là công trình trọng điểm của tỉnh thành ra khó khăn thế nào mình cũng phải cố gắng đạt tiến độ vì tình hình chung. Tới đây tôi lo các mỏ cát bị đóng nhiều sợ còn khó khăn nữa”.

Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đều cạn nguồn vật liệu cát nhất là cát san lấp mặt bằng do các mỏ cát đầu nguồn ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp ngưng hoạt động hoặc chỉ cung cấp cho các dự án trong tỉnh hay liên vùng. Một số doanh nghiệp chỉ mua được nguồn cát từ tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh với số lượng nhỏ giọt hay mua cát nhập khẩu từ Campuchia với giá rất cao.

Ông  Nguyễn Văn Hoàng, chủ  một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, (Tiền Giang) chia sẻ: "Tôi bán cát xây tại chỗ giá 270.000 đồng/khối, cát san lấp thì 200.000 đồng/khối tại chỗ, giao đến nơi thì 220.000 - 230.000 đồng/khối. Lúc này không có cát nên nguồn thiếu, tôi mua từ mỏ Trà Vinh chứ đâu có còn cát, bán cũng chậm khi nào hết kiếm nguồn khác. Nghe nói tỉnh Tiền Giang sẽ cấp phép mấy mỏ cát, để ổn định thị trường lại chứ giá cả cao quá”.  

Ông Trần Hải Bắc – đại diện Tổng công ty xây dựng Trường Sơn – đơn vị thi công san lấp tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thông tin: Hiện các gói thầu mà công ty Trường Sơn phụ trách thi công trên tuyến Cần Thơ – Cà Mau tổng nguồn cát cần đến là 3,6 triệu m3. Trong năm  2023 này, công ty thi công 1,5 triệu m3. Nhưng căn cứ vào quyết định của UBND các tỉnh ban hành thì các đơn vị khai thác vẫn chưa cung cấp đạt theo yêu cầu.

"Từ đầu năm đến nay các đơn vị chỉ cung ứng 240.000m3, trong khi các dự án còn phải cần thêm 1,2 triệu m3 nữa mới đủ thi công trong năm 2023. Trước tình hình này, Chủ đầu tư đã giới thiệu cho đơn vị tiếp cận 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang để khai thác những mỏ mới phục vụ cho dự án. Từ 2024 trở đi, nhu cầu cát sẽ còn nhiều hơn nữa", ông Bắc nói.

Thị trường vật liệu xây dựng cũng trở nên “hỗn độn” vì hàng loạt doanh nghiệp phải chấp nhận bán cát với giá cao “ngất ngưỡng” trong tình cảnh người sử dụng phản ánh gay gắt. Đã vậy, nguồn cát cũng không dồi dào, doanh nghiệp không thể lấy từ các đơn vị khai thác nội địa mà phải nhập khẩu từ Campuchia với giá cao hơn hơn nội địa từ 10-20%.

Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, trước đây ông lấy cát tại tỉnh An Giang, nhưng từ khi địa phương này rút giấy phép hàng loạt các mỏ đã khiến cho giá cát ngoài thị trường tăng 70.000 - 80.000 đồng/m3. An Giang là một trong ba vùng “rốn cát” của ĐBSCL với tầng suất và số lượng phương tiện khai thác nhiều nhất. Nhưng nay, hàng loạt xáng cạp khu vực này đã “gác cần”.

Khó khăn nhất là đối với các dự án trọng điểm của địa phương, để có cát xây tô, Chủ đầu tư chỉ có thể mua cát nhập khẩu với mức giá 280.000/m3 tại bãi, nếu đem tới công trình là 380.000 đồng/m3. Đã vậy, phải chuyển tiền trước, nếu không, bên bán cũng không giao.

Các dự án dân dụng như trường học, trụ sở, bệnh viện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn giá cát san lấp khi nhà thầu ký hợp đồng với các chủ đầu tư dao động trong khoảng 170.000 - 180.000 đồng/m3. Nhưng hiện nay, để có cát đến chân công trình, nhà thầu phải trả từ 320.000 - 340.000 đồng/m3. Nhiều dự án có tiền nhưng cũng chưa mua được cát. Tình trạng thiếu cát, khan hiếm cát đang là thách thức lớn đối với các công trình có mặt bằng lớn cần san lấp.

Nguồn: Báo tuổi trẻ và vov.vn

 

 

Bài viết liên quan
Zalo
Zalo
Vị trí
Hotline: (+84) 948 859 999