10.797222346,106.677222250

Ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam và cơ hội từ Hiệp định RCEP

Đăng bởi: Admin Lúc 02:03 - 24/03/2021 | Lượt xem: 2973

nganh-san-xuat-cong-nghiep-viet-nam

Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích từ RCEP khi có các mặt hàng thế mạnh như nông, thuỷ sản đáp ứng nhu cầu hầu hết thành viên. Cụ thể, Hiệp định RCEP sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam trên những khía cạnh sau:

 
Thứ nhất, tiếp cận dễ dàng hơn tới các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác. RCEP là khu vực có quy mô thị trường lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam đã tham gia. Các doanh nghiệp kỳ vọng RCEP sẽ tạo ra một thị trường “khổng lồ”. Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường với sự đa dạng về nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ.

Cơ hội xuất, nhập khẩu từ RCEP, ưu đãi thuế quan sẽ được cải thiện hơn, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng; thống nhất trong các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mại; giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ sản xuất. Tham gia RCEP, Việt Nam có cơ hội tăng thêm từ 2 - 4% GDP (2020) so với trường hợp không tham gia. RCEP chiếm 32,5% luồng vốn đầu tư toàn cầu, ký kết RCEP giúp cho các nhà đầu tư được đối xử công bằng, bình đẳng, được bảo hộ an toàn và đẩy đủ.

Thứ hai, mở cơ hội đẩy mạnh xuất - nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn (là đầu vào cho sản xuất) và máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại phù hợp. Khi RCEP được ký kết và có hiệu lực, nguồn nguyên liệu sản xuất doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN + 6 sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam. Nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn như thép của Trung Quốc, sản phẩm nhựa của Hàn Quốc và Nhật Bản. RCEP tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu máy móc thiệt bị hiện đại phù hợp từ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước ASEAN với mức thuế quan hợp lý.

Thứ ba, tham gia vào mạng lưới chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. RCEP thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó giúp tận dụng cơ hội trong chuỗi giá trị. RCEP bao trùm toàn bộ chuỗi sản xuất một số loại hàng hóa của Việt Nam. Ví dụ, trong lĩnh vực dệt - may, do CPTPP không có Trung Quốc tham gia, nên Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan bởi nguyên liệu dệt - may chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng nhờ Trung Quốc tham gia RCEP. Chính điều này tạo ra sự khác biệt rất lớn giữa RCEP và các hiệp định thương mại tự do khác.

Các thị trường trong khối RCEP hiện bao trùm gần như toàn bộ chuỗi sản xuất của nhiều loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh, như sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến... ngành dệt may với chi phí sản xuất thấp, tham gia RCEP giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn các thị trường tiêu dùng giàu có Australia, New Zealand và Trung Quốc. Với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (Trung Quốc, Hàn Quốc...), việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP.

Thứ tư, cắt giảm chi phí giao dịch và hưởng môi trường kinh doanh thân thiện hơn. RCEP là thị trường có mức độ phát triển kinh tế mạnh nên nhu cầu rất lớn. Đặc điểm của người tiêu dùng trong RCEP (16 nước) không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm. Thị trường RCEP có nhu cầu lớn với sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt - may, giày - dép... nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN, ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn.

Dù kịch bản RCEP 16 (có Ấn Độ) hay RCEP 15 (không có Ấn Độ) với bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, thì Việt Nam đều được cho là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất, với tác động tăng 0,70% GDP (RCEP 16) hoặc 0,66% (RCEP 15) tới năm 2030.

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/

Bài viết liên quan
Zalo
Zalo
Vị trí
Hotline: (+84) 948 859 999