10.797222346,106.677222250

Lợi thế các khu công nghiệp Tây Ninh trong Vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030

Đăng bởi: Admin Lúc 04:06 - 10/06/2021 | Lượt xem: 5400

Theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch xây dựng Vùng thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những điều chỉnh đến năm 2030, mang tầm nhìn đến năm 2050. Vậy vùng thành phố Hồ Chí Minh là gì? Ý nghĩa của việc phát triển vùng thành phố Hồ Chí Minh tạo ra lợi thế gì cho sự phát triển khu công nghiệp tại Tây Ninh?


1. Vùng thành phố Hồ Chí Minh là gì?

Vùng thành phố Hồ Chí Minh được định nghĩa là vùng phát triển lấy thành phố Hồ Chí Minh làm trung tâm và là động lực phát triển; trong đó các địa phương thuộc vùng gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2.


2. Mục tiêu là phát triển:

- Tập trung phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.

- Phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thương mại - tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ; trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao; trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.

- Phát triển không gian vùng theo hướng cân bằng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.


3. Lợi thế nào cho các khu công nghiệp ở Tây Ninh trong sự phát triển của vùng?

Chắc chắn các khu công nghiệp tại Tây Ninh nói riêng và kinh tế tỉnh Tây Ninh nói chung sẽ nhận được những lợi ích từ sự phát triển của vùng thành phố Hồ Chí Minh.

Trong định hướng phát triển không gian vùng, tỉnh Tây Ninh thuộc tiểu vùng phía Bắc – Tây Bắc. Theo đó, tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc gồm tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh và một phần của tỉnh Bình Dương (huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên). Diện tích 13.087 km2, dân số dự báo năm 2030 khoảng 3.565.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 40 - 45%. Trong đó:

- Đô thị Trảng Bàng - Gò Dầu - Hòa Thành - Tây Ninh là cực tăng trưởng trên trục hành lang phía Tây Bắc dọc quốc lộ 22.

- Đô thị Chơn Thành - Đồng Xoài là cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 13.

Riêng trong tổng thể vùng, tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung phát triển các chức năng về kinh tế cửa khẩu, kho vận, trung chuyển hàng hóa trên trục hành lang Xuyên Á; công nghiệp chế biến nông lâm sản, trồng cây công nghiệp. Phát triển du lịch sinh thái rừng, du lịch văn hóa lịch sử tầm quốc gia, quốc tế; có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, bảo tồn cảnh quan rừng và sự đa dạng sinh học của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và giúp thành phố Hồ Chí Minh kết nối rộng với vùng sông Mê-kong và Đông Nam Á lục địa. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 45 - 50%.

Đối với phát triển công nghiệp, dự kiến diện tích đất xây dựng các khu công nghiệp đến năm 2030 khoảng 69.000 ha; trong đó (Thành phố Hồ Chí Minh: 7.080 ha, Đồng Nai: 13.400 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu: 9.210 ha, Bình Dương: 14.790 ha, Tây Ninh: 5.185 ha, Bình Phước: 8.220 ha, Long An: 13.500 ha, Tiền Giang: 3.200 ha).

Các khu công nghiệp tại Tây Ninh sẽ được định hướng phát triển trên trục hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 22. Theo đó, Tây Ninh sẽ phát triển các khu công nghiệp tập trung Trảng Bàng - Gò Dầu, (Tây Ninh), khu công nghiệp trong khu phi thuế quan gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát. Ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp đa ngành; phát huy lợi thế về nguyên liệu như mía, sắn, cao su. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến đường mía, chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, điều, chế biến súc sản, chế biến gỗ.

Về phát triển hạ tầng giao thông tại Tây Ninh:

- Về đường bộ: xây dựng Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh): Từ giao đường vành đai tại ngã tư An Sương đi cửa khẩu Mộc Bài sang Campuchia; nối tiếp từ Gò Dầu đến cửa khẩu Xa Mát sang Campuchia.

- Xây dựng mới các tuyến đường sắt: Tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh (định hướng kéo dài lên cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối với đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp.

- Xây dựng đường sắt nội vùng: Xây dựng mới kết hợp nâng cấp một số tuyến đường sắt quốc gia tạo thành mạng lưới đường sắt nội vùng với các tuyến vận tải hành khách, kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đến các thành phố trung tâm các tỉnh trong bán kính 60 - 80 km. Quy mô đường sắt đôi, điện khí hóa khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 120 - 150 km/h. Sử dụng kết hợp đường sắt quốc gia vận tải hành khách nội vùng theo các hướng Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Mỹ Tho, Long Khánh.

- Luồng hàng hải đến Tây Ninh sẽ tập trung theo các luồng sông, với việc tập trung cải tạo nâng cấp các luồng sông để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng trong khu vực, một số luồng hàng hải chính như: Luồng Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải đến Gò Dầu.

- Xây dựng và phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch của địa phương gồm: Bình Dương, Tân Cảng Long Bình, Bình Phước tại Chơn Thành, Đức Hòa, Bến Lức, Thành Thành Công, Mộc Bài, Thanh Phước tại tỉnh Tây Ninh,… Từng bước hình thành và phát triển hệ thống các cảng cạn tại các đầu mối nhằm thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.

Bài viết liên quan
Zalo
Zalo
Vị trí
Hotline: (+84) 948 859 999