10.797222346,106.677222250

Hiện trạng Các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động tại Việt Nam

Đăng bởi: Admin Lúc 01:07 - 01/07/2021 | Lượt xem: 7556

Sau 30 năm được phê duyệt và phát triển, hiện trạng các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam cần được đánh giá lại một cách toàn diện về sự phát triển và đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế nước nhà, vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Vì vậy vào ngày 20/11/2020, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp Việt Nam. Thứ trưởng Trần Duy Đông chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Nguyễn Thị Bích Ngọc, cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ. Về phía các Ban, Bộ, ngành trung ương có đồng chí Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội và đại diện các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường. Về phía địa phương có đại diện lãnh đạo các Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, sau gần 30 năm kể từ khi Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên được thành lập, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế.

Đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và tạo việc làm.

Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, việc hình thành và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng quan hệ đối ngoại… Việc phát triển mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Tại một số nơi, quy hoạch và phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư.

Đồng thời, việc tập trung các khu công nghiệp tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh khu công nghiệp; mô hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế còn chậm đổi mới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại khu công nghiệp, khu kinh tế còn chưa cao; khu công nghiệp và khu kinh tế phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế còn thấp so với nhu cầu.

Các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển tiếp tục coi khu công nghiệp, khu kinh tế là mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư. Các mô hình khu truyền thống hướng đến xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu; phương thức điều hành, tổ chức và huy động nguồn lực của doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp từ số hóa đơn giản sang hình thức đổi mới sáng tạo dựa trên sự kết hợp nhiều loại công nghệ. Qua đó, ảnh hưởng đến mô hình, định hướng phát triển của khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới.

Về tình hình trong nước, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện và mạnh mẽ để trở thành một đất nước phát triển và hiện đại, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế để thích ứng với bối cảnh mới, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đất nước.

Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn lại chặng đường phát triển của khu công nghiệp, khu kinh tế trong 30 năm qua, đánh giá toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp.

Bên cạnh các bài tham luận trình bày tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá các kết quả đạt được, tồn tại hạn chế và những bài học kinh nghiệm trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại địa phương. Đồng thời, đánh giá những tồn tại, hạn chế về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian vừa qua và các nguyên nhân cơ bản, gồm các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về khu công nghiệp (hoạch định chính sách; xây dựng quy hoạch; khung pháp lý cho sự phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; mô hình tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp và khu kinh tế; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương; mô hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế...) và tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam so với các nước (chính sách ưu đãi đầu tư, lao động, thủ tục...). Từ đó, đưa ra kiến nghị những giải pháp thiết thực và đột phá nhằm xây dựng, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới.

Trên cơ sở nội dung trao đổi tại Hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

Bài viết liên quan
Zalo
Zalo
Vị trí
Hotline: (+84) 948 859 999